Chính sách mới của Nhật Bản
1. Tình hình triển khai đưa thực tập sinh Việt Nam sang thực tập và làm việc tại Nhật Bản
Nhật Bản là một trong các thị trường có điều kiện việc làm và thu nhập tốt, được người lao động Việt Nam ưa thích. Tính đến nay, Việt Nam đã đưa được gần 200 nghìn lao động sang tu nghiệp và thực tập tại Nhật Bản. Số lượng thực tập sinh (TTS) hàng năm gia tăng nhanh chóng. Năm 2013, lần đầu tiên TTS được phái cử sang Nhật Bản vượt ngưỡng 10 nghìn người/năm, năm 2015 đạt trên 30 nghìn người và năm 2017 là trên 54 nghìn người. Dự kiến năm 2018 sẽ phái cử trên 56.000 TTS. Tổng số TTS Việt Nam hiện đang thực tập tại Nhật Bản khoảng 126 nghìn người. Việt Nam vượt qua Trung Quốc trở thành nước có số lượng phái cử hàng năm và số TTS đang thực tập tại Nhật Bản đông nhất trong số 15 quốc gia phái cử.
Bên cạnh nhu cầu tiếp nhận TTS các ngành nghề vốn có, ngày 29/9/2017 phía Nhật Bản đã công bố chính thức Quyết định bổ sung ngành nghề Hộ lý vào danh mục các ngành nghề được thực tập kỹ năng 3 năm tại Nhật Bản. Việc Nhật Bản mở rộng tiếp nhận ngành nghề TTS hộ lý là cơ hội tạo thêm việc làm cho lao động Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức bởi công việc vất vả, mang tính đặc thù, áp lực công việc lớn cũng như đòi hỏi khả năng ngoại ngữ cao hơn các ngành nghề khác nên việc triển khai cần thận trọng để giữ vững ổn định và phát triển thị trường Nhật Bản.
Ngày 27/7/2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đàm phán và ký kết với Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Bản ghi nhớ (MOC) trong lĩnh vực phái cử và tiếp nhận TTS hộ lý. Hiện ta đang triển khai thí điểm với 13 doanh nghiệp có Hợp đồng ký với đoàn thể của Nhật Bản có các điều kiện tốt, có cơ sở vật chất đào tạo và đội ngũ cán bộ chuyên trách về Nhật Bản có chất lượng, tổ chức tuyển chọn, đào tạo miễn phí tiếng Nhật cho TTS. Bước đầu, các doanh nghiệp tham gia thí điểm đã thực hiện đào tạo tiếng Nhật cho TTS đáp ứng được yêu cầu.
2. Chính sách mới của Nhật Bản về việc tiếp nhận người lao động nước ngoài với tư cách “kỹ năng đặc biệt”
Ngày 8/12/2018, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi, trong đó có nội dung quy định về tư cách lưu trú mới là “kỹ năng đặc biệt”. Dự kiến sau khi Dự thảo Luật nói trên được thông qua sẽ có các thông tin cụ thể về cơ chế tiếp nhận mới vào khoảng tháng 1/2019 và hướng tới bắt đầu triển khai từ tháng 4/2019.
Về cơ chế tiếp nhận nhân lực nước ngoài theo tư cách “kỹ năng đặc biệt” hiện đang được Quốc hội Nhật Bản xem xét theo phương hướng như sau:
Trường hợp có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết đủ để đáp ứng công việc được gọi là “kỹ năng đặc biệt số 1”; trường hợp đã thi đỗ kỳ thi được xác định là có tính chuyên môn cao và có thể đáp ứng công việc đòi hỏi kỹ năng điêu luyện hơn được cấp tư cách “kỹ năng đặc biệt số 2”. Với tư cách “kỹ năng đặc biệt số 1”, giới hạn thời gian làm việc là 5 năm và không được bảo lãnh gia đình. Tuy nhiên, với tư cách “kỹ năng đặc biệt số 2”, người lao động có thể ở lại làm việc lâu dài và bảo lãnh gia đình cùng sang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.
- Lĩnh vực tiếp nhận: hiện đang xem xét 14 ngành nghề sau: xây dựng, đóng tàu/ công nghiệp tàu thủy, nông nghiệp, hộ lý, lưu trú, sản xuất thực phẩm/ đồ uống, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/ điện tử/ thông tin, bảo dưỡng/ sửa chữa ô tô và hàng không.
- Đối tượng tiếp nhận:
+ Từ 18 tuổi trở lên;
+ Tiêu chuẩn kỹ năng: có kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để có thể làm việc ngay trong lĩnh vực tiếp nhận, xác nhận bằng kỳ thi do Bộ ngành chủ quản quy định;
+ Tiêu chuẩn năng lực tiếng Nhật: có thể giao tiếp thông thường, về cơ bản có năng lực tiếng Nhật đủ cho sinh hoạt hàng ngày, xác nhận bằng kỳ thi nhằm đánh giá năng lực cần thiết cho mỗi lĩnh vực tiếp nhận.
- Thực hiện kỳ thi đánh giá kỹ năng và năng lực tiếng Nhật: Chủ thể thực hiện kỳ thi là đoàn thể ngành của lĩnh vực tiếp nhận và Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản (đối với kỳ thi tiếng Nhật). Tuy nhiên, hiện đang xem xét quyết định kỳ thi đánh giá kỹ năng và năng lực tiếng Nhật của người lao động theo từng lĩnh vực tiếp nhận sẽ được thực hiện ở Nhật Bản hay nước phái cử.
- Mức lương: Mức lương của lao động người nước ngoài tối thiểu bằng mức lương của người lao động Nhật ở cùng vị trí và được ghi rõ trong hợp đồng ký kết với người lao động đó.
- Chuyển việc: Cho phép chuyển việc trong lĩnh vực đã đề cập khi làm thủ tục nhập cảnh và đăng ký tư cách lưu trú (tuy nhiên cần có báo cáo và làm các thủ tục cần thiết khi chuyển việc)
- Tiêu chuẩn đơn vị tiếp nhận: Ngoài các quy định về tuân thủ pháp luật về quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội và cơ chế hỗ trợ lao động người nước ngoài, các cơ quan tiếp nhận cần đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định để đảm bảo không có quá nhiều lao động bỏ trốn, không tiếp nhận lao động nước ngoài có kỹ năng đặc biệt thông qua sự giới thiệu của công ty phái cử hoặc công ty môi giới đã thu hoặc có ý định thu tiền ký quỹ từ bản thân người lao động nước ngoài có kỹ năng đặc biệt hoặc từ thân nhân của họ nhằm loại bỏ những công ty môi giới thiếu đạo đức.
3) Vai trò của cơ quan quản lý Việt Nam trong thời gian tới
Nếu cơ chế tiếp nhận mới của Nhật Bản được thông qua sẽ là điều kiện thuận lợi phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước. Nhằm giữ vững ổn định và phát triển thị trường lao động Nhật Bản trong bối cảnh phía Bạn đang xem xét cơ chế tiếp nhận mới, các cơ quan chức năng có liên quan của Việt Nam cần kịp thời nghiên cứu, đề xuất về các nội dung sau:
(i) Nghiên cứu hướng đàm phán, ký kết Hiệp định hợp tác giữa hai chính phủ trong lĩnh vực phái cử và tiếp nhận nhân lực với tư cách “ kỹ năng đặc biệt” nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích cần thiết cho người lao động.
(ii) Nghiên cứu, xây dựng các chính sách, cơ chế phái cử phù hợp với chính sách tiếp nhận mới của phía Bạn nhằm đảm bảo quá trình phái cử và tiếp nhận được tiến hành thuận lợi và chặt chẽ; cần quy định rõ về việc không thu tiền ký quỹ từ người lao động để loại bỏ những công ty phái cử, môi giới kém chất lượng.
(iii) Chú trọng công tác đào tạo chất lượng tay nghề, kỹ năng và ngoại ngữ cho người lao động trước khi sang làm việc.
(iv) Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính người lao động về việc trau dồi kiến thức chuyên môn, năng lực tiếng Nhật để đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tiếp nhận, tạo sức cạnh tranh của lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.
mrT